Miền Trung Tục thờ rắn ở Việt Nam theo tỉnh thành

Thanh Hóa

Suối cá tại Cẩm Lương, nơi đây có miếu thờ Thần Rắn (Ngao Vương)

Ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy. Tại đây có một dòng suối rất nhiều cá. Tương truyền, cá ở đây do một thần rắn bảo hộ, che chở. Người dân tin rằng, ai làm hại tới những con cá sống ở đây thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường. Suối cá thần Thanh Hóa gắn với sự tích thần rắn là những vị thần được dân lập miếu thờ bên bờ suối. Về sự tích thần rắn, người trong thôn kể rằng đã xưa lắm, cứ vào tiết thanh minh các "ông rắn" cỡ bằng ngón tay lại bò ra nhiều đến hàng nghìn hàng vạn. Thi thoảng còn xuất hiện đôi rắn trắng đen bơi qua bơi lại trên mặt suối. Người dân tin rằng thần rắn sẽ phù hộ cuộc sống ấm no, trở thành một phần đời sống tâm linh của người dân nơi này[14].

Đền thờ Thần Rắn là đền thờ đại tướng Ngao Vương, và suối cá Cẩm Lương và Cẩm Liên (huyện Cẩm Thủy) trong miền đất người Mường hiện nay chính là những vũng cá cấm của người Thái, nơi đàn cá được cả cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ cùng nhau đánh bắt một lần trong dịp lễ tết hàng năm. Trước đây, rất nhiều dòng tộc lớn của người Thái đã cai quản các vùng đất này và tạo nên các vũng cá cấm (một phong tục lâu đời của người Thái). Cơ sở để đặt nghi vấn này chính là từ đền thờ thần rắn, loài linh vật thiêng liêng của người Thái vốn tự coi mình là Ngu Hống (thuồng luồng, rắn hổ mang có mào đỏ)[15][16]

Người dân ở đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá thần bắt đầu từ một truyền tích về thần rắn, về một người vợ vô tình xúc được một quả trứng lạ mang về cho gà ấp thử, trứng nở được một con rắn, hai vợ nuôi rắn. Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm. Nhưng một đêm trời mưa to, sấm chớ, sáng ra dân làng thấy xác Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh, dân làng chôn ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ vì chính Rắn đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu Tứ phủ Long Vương[17].

Nghệ An

Có chuyện kỳ bí trong vùng còn xuất hiện không ít đồn thổi về "thần rắn" cụt đuôi giúp Nam Thôn được bình yên, an cư lạc nghiệp. Cho đến nay, ở làng Nam Thôn, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An vẫn lưu truyền tập tục kì lạ mang tên Cầu đảo hàng năm nhằm "mượn" nước trời. Đây là nơi có nhiều huyền tích lạ quanh tục Cầu đảo và "thần rắn", mỗi khi "thần rắn" xuất hiện là thời điểm ấy mùa màng thuận lợi "Thần rắn cụt đuôi" án ngữ cửa đền và dân gian quanh vùng luôn truyền tụng câu chuyện kỳ lạ về "thần rắn" quẩn quanh trên đền Hạ. Trước đây có người đi chăn bò thấy dấu của con rắn nằm như một đôi trai gái làm tình ngay giữa đền", phát hiện ra một con rắn to, đuôi bị cụt, nặng không dưới 30 kg. Trên đầu nó màu đen có hình chữ thọ, miệng nó lại không có lưỡi.

Bà cứ nghĩ con rắn như linh hồn của thần linh hiện về nên bà Thường đã làm lễ cúng tế. Và chuyện rắn "khủng" xuất hiện ở đền Hạ đã nhanh chóng lan ra khắp vùng chỉ sau chưa đầy một ngày. Nghe kể, từ sau khi biết có chuyện "thần rắn" về làng, số lượng người đến cúng tế ở đền ngày càng đông. Người ta truyền tai nhau rằng đền thiêng là nhờ "rắn thần" linh ứng xuất hiện, mỗi khi có "cụ rắn" xuất hiện là bà con nơi đây làm ăn được mùa.Nếu nhìn nhận "rắn thần" ở đền Hạ trên khía cạnh tích cực thì đây là một trong những minh chứng sống động cho thấy rắn là một linh vật có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần[18].

Hà Tĩnh

Loài rắn Oligodon cattienensis ở Cát Tiên có màu sắc đa dạng

Một con rắn kỳ lạ ở bãi kho thôn Tân Quang, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã nhanh chóng được người dân "suy tôn" là "xà linh" và được người dân canh phòng bảo vệ nghiêm ngặt, hàng nghìn người dân đã đổ về để xem một con rắn không lưỡi đẻ trứng và biến đổi màu sắc. Một ngôi miếu vừa được dựng nên từ số tiền công đức của khách thập phương khi đến chiêm ngưỡng "xà linh". "Xà linh" khi mang ra sân kho được "ngự" dưới chân thiên đài (một ngôi miếu nhỏ thờ ngoài trời để thờ các vong hồn "không nơi nương tựa").

Đặc biệt, "xà linh" rất hiền, ai đến gần cũng có thể sờ mó hoặc cầm nắm mà không phản ứng gì, "xà linh" có thể biến đổi nhiều màu sắc trong ngày, lúc là màu đen, lúc màu hồng phớt trắng, lúc màu vàng, lúc màu nguyên thủy của rắn nước, dù không có lưỡi nhưng "xà linh" rất nhạy cảm, "xà linh" luôn nằm hoặc quấn quanh con hổ phía Đông dưới chân thiên đài chứ không bao giờ nằm quanh con hổ phía Tây, mỗi ngày lại xuất hiện một con cóc vui chơi cùng "xà linh".

Nhìn chung con rắn trên thuộc loại rắn nước bình thường. Về chuyện con rắn trên không có lưỡi là người dân nhìn nhầm. Chuyện rắn có thể biến đổi nhiều màu sắc trong ngày cũng là chuyện khó tin vì ở Việt Nam rất ít loài rắn có thể biến đổi màu sắc, chỉ chuyển từ thể đậm sang thể nhạt. Rắn là một loài rất hiền, chỉ khi giẫm đạp lên chúng hoặc làm chúng đau thì mới cắn lại người, nếu vuốt ve hoặc thậm chí chơi với chúng như một cách thuần từ thì chúng sẽ để yêng[19]

Quảng Bình

Tại xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình có hang Tổ Mộ, thuộc vùng rừng xã Tân Hóa, xưa kia, đây vốn là nơi giao tranh ác liệt của những thế lực phong kiến cát cứ, một bên là Chiêm Thành, một bên là Vạn Tượng (tên nước Lào cũ), thay nhau chiếm đóng. Mãi cho đến thời chúa Nguyễn thì tình hình mới ổn định trở lại. Tuy nhiên, rất nhiều của cải cướp bóc, những binh khí, đồ gia dụng đã được chôn dấu một cách bí ẩn. Đã có rất nhiều lời đồn thổi về những kho báu cổ được chôn giấu ở mảnh đất này, mà cụ thể hơn là trong những hang động ngầm bí ẩn của đại ngàn Trường Sơn.

Một câu chuyện vào thời điểm 50 năm trước, có thông tin lan truyền về một người đàn ông trong một lần đi rừng tìm thấy một cái hang có rất nhiều đồ đồng cổ, lẫn trong đó là một thanh kiếm lệnh bằng vàng được chạm khắc tinh xảo sau đó mò ra khỏi hang. Tuy nhiên, ra đến cửa hang thấy hai đốm sáng đỏ rực, đó là ánh mắt của một con hổ mang chúa cực lớn đang cuộn tròn ngay trước cửa. Mãnh thú nhấc cái đầu lên nhìn, thở phì phì tiến lại, nạn nhân chắp tai vái, rồi chạy tuốt vào sâu bên trong hang, trả lại tất cả những đồ vật mình đã lấy về chỗ cũ thì lại mò ra cửa hang, nhưng không thấy bóng dáng của con rắn hổ mang chúa. Một thời gian ngắn sau, người sơn tràng này mắc bệnh và chết một cách bí hiểm[20].

Gần đây, từng có sự kiện có hàng ngàn người đổ về địa phương xem và cầu khấn tại ngôi mộ vô danh ở ven đường vào xã, đoạn thuộc thôn La Hà Tây, Ba Đồn sau khi xuất hiện con rắn mà người dân địa phương cho là linh thiêng. Tin đồn về con rắn này có từ trước tết nhưng chính thức rộ lên làm lượng người hiếu kỳ càng lúc càng đông, người cầu khấn đã "dâng" hơn 150 triệu đồng, câu chuyện hiếu kỳ và cầu khấn là tự phát của người dân[21] tạo ra sự kiện vụ người dân tụ tập đông người, cầu khấn tại ngôi mộ vô danh, người quá khích còn ngăn lực lượng chức năng dỡ rạp che mộ vô danh có con rắn, tình hình còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp khi xuất hiện tình trạng "lên đồng" tại mộ, thu hút khá nhiều người.

Sự việc bắt đầu từ việc rộ lên thông tin, tại ngôi mộ vô danh của một phụ nữ ăn xin nằm ven đường vào xã Quảng Văn thuộc địa phận thôn La Hà Tây xuất hiện một con rắn và một số người thêu dệt đó là linh hồn người phụ nữ hiện lên nhập vào rắn nên đến xem, cầu khấn. Sau đó tin lan truyền kéo theo nhiều người ở nhiều địa phương khác cũng đến thắp hương cầu khấn[22], thông tin về rắn linh xuất hiện trên mộ mệ ăn xin có từ trước tết nhưng chính thức rộ lên ngày mồng 9 tết, nhiều người tụ tập để xem và cầu khấn rắn thần mang lại may mắn. Nhiều người sờ vào con rắn nhưng nó cũng không bò đi, vì quá nhiều người sờ nên mình rắn khô đến nỗi thỉnh thoảng người ta phải đổ nước lên rắn cho ướt[23].

Huế

Đình làng Phú Bài, xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế cũng lập bài vị thờ ông Dài, ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn, một dài một cụt vốn là con của thần gió từng hiển linh giúp đỡ dân làng, đem lại mưa thuận gió hòa, nên được dân làng tưởng nhớ, tôn xưng là thủy thần. Ở Huế có câu chuyện rắn báo thù và giết đi đứa con trẻ mới đầy 6 tháng tuổi con của người đàn ông chuyên bắt và ăn thịt rắn được người dân làng An Truyền bàn tán xôn xao. Câu chuyện được người dân thêu dệt hết sức li kì, mang đầy tính liêu trai, nhưng đằng sau cái chết con của người ăn thịt rắn vẫn có rất nhiều điều kì bí, không lý giải được.

Câu chuyện này về người hấy cặp rắn to như "thanh xà, bạch xà xuất" hiện trước cổng nhà và bị xua đuổi cả đôi rắn đi, đôi rắn tự nhiên biến mất. Nhưng kể từ ngày đôi "thanh xà, bạch xà" ngự trị chễm chệ trước cổng báo hiệu điềm dữ đến, vào chập choạng tối, lại thấy con rắn học trò xuất hiện. Cứ đến nửa đêm thì nhiều loài rắn khác nhau lại bò về, khi làm lễ cúng cô hồn thì thấy con rắn đen, to bằng cổ chân, dài bằng khoảng 1m, con rắn này lại cụt đuôi nằm khoanh tròn chễm chệ dưới chân tượng Phật. Cứ 3 ngày, rắn cụt đuôi lại ghé nhà một lần. Nhiều sự việc trùng khớp kể từ ngày "xà nhập trạch", Sau khi nhập trạch được 4 tuần, thì vào một đêm tối đó, mọi người không thấy "thần" rắn cụt đuôi, đôi "thanh xà, bạch xà".

Câu chuyện xà nhập trạch xuất hiện cả ba năm nay, bất kể người dân nào trong làng đều biết. Tung tích của ba con rắn "thần" được người dân lí giải hết sức kì bí, có thể các "ngài" đã di chuyển sang các đồi núi lân cận ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa. Sự biến mất đầy bí ẩn của ba con rắn khiến gia đình quyết định lập bàn thờ để hàng đêm khấn vái, quỳ lạy van xin tha thứ tội lỗi đã gây ra, còn có chuyện chuyện "có một cặp rắn hổ mang" sau khi bị một người dân trong làng giết chết, con rắn còn lại đêm nào cũng về báo thù, dân làng An Truyền sợ đến nỗi hễ mỗi lần ở trong nhà hay ra đường trên đầu đều phải trết bùn, đội nón vì sợ bị rắn cắn trúng đầu[24].

Bình Định

Bình Định là vùng đất thuộc Vương quốc Champa cổ xưa, cư dân ở đây do ảnh hưởng của Ấn Độ giáo cũng có tục thờ rắn Naga. Trong số di tích kiến trúc tháp cổ Chăm-pa còn lại trên đất Bình Định, tại Dương Long thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn là cụm tháp chịu ảnh hưởng nghệ thuật Khơme rõ nét, đó chính là hình tượng rắn Naga. Rắn Naga ở tháp Dương Long được chạm khắc chi li, cầu kỳ, đa dạng, trang trí khá đậm đặc từ xung quanh chân tháp lên đến các cửa giả, cửa chính, các ô khám và viền xung quanh. Hình tượng rắn Naga trang trí nhiều ở tháp Dương Long đã nói lên quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa người Chăm, người Ấn Độ và người Khơme.

Hinh ảnh rắn thần Naga trong kiến trúc Champa cổ còn được lưu giữ lại

Ở sân chùa Hoa Tiên có một cây cốc đại cổ thụ, thân cây phải 3-4 người ôm. Người ta đồn rằng, dưới gốc cây có một kho vàng khổng lồ được người Hời (người Chăm) chôn giấu từ hàng trăm năm trước, nhiều nhân chứng còn khẳng định có một cặp bạch xà ngày đêm canh giữ kho báu không cho bất kỳ kẻ nào mạo phạm. Người dân cho rằng, ban đêm họ thường thấy ánh vàng sáng rực di chuyển xung quanh "thần mộc". Họ đồn rằng, "vàng từ dưới đất chui lên hóa dạng con gà đi ăn" nhưng khi nghe tiếng động hoặc thấy bóng dáng con người là "đàn gà vàng" biến mất trong nháy mắt, người dân tin rằng những đàn gà vàng đi ăn trong đêm chính là vong hồn của những trinh nữ bị chôn sống theo kho vàng hóa thân mà thành.

Trong văn hóa người Chăm trước kia có rất nhiều giai thoại về việc sử dụng bùa ngải để trấn giữ những thứ quý giá của riêng mình hoặc của dòng tộc. Và hình thức "yểm bùa" bằng trinh nữ cũng đã từng được sử dụng. Linh hồn sẽ không được đầu thai nên sẽ phải làm "thần giữ của" mãi mãi cho đến khi lời nguyền được hóa giải, người dân còn tin rằng kho vàng linh thiêng được một cặp rắn thần canh giữ suốt đêm ngày, không có người nào dám làm bậy. Truyền rằng, một hôm tại gốc cây đại thụ bỗng xuất hiện hai tượng Phật kì dị, nhiều người trong chùa nhìn thấy một cặp rắn khổng lồ thoắt ẩn thoắt hiện xung quanh "linh thụ". Cặp bạch xà dài tới 4 thước và trên đỉnh đầu có mào đỏ rực như lửa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục thờ rắn ở Việt Nam theo tỉnh thành http://vtc.vn/nhung-chuyen-dung-toc-gay-quanh-ngoi... http://vtc.vn/bi-an-ran-khong-lo-o-quang-ninh-ba-l... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/di-tim-cha-de-cua-... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/chiem-bai-ran-khon... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/giai-ma-chuyen-chu... http://vtc.vn/ran-khong-lo-giu-kho-bau-trong-hang-... https://web.archive.org/web/20170709062540/http://... https://web.archive.org/web/20190228065730/http://... https://web.archive.org/web/20170703170148/http://... https://web.archive.org/web/20170608051457/http://...